Ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập; ngày 13/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 33C thiết lập các Tòa án quân sự trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam mới. Từ đó, hệ thống Tòa án các cấp được thành lập, hoàn thiện và phát triển.
Tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Luật tổ chức Tòa án năm 2014 đã xác định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Tòa án “Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.”. Về tổ chức, theo quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án 2014 thì Hệ thống Tòa án có: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự. Như vậy, Tòa án là một thiết chế quan trọng trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, được tổ chức theo các cấp; với quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 thì vị thế của Tòa án đã được khẳng định cụ thể hơn, quyền tư pháp đồng nghĩa với quyền xét xử của Tòa án, điều này có ý nghĩa là Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp pháp lý xảy ra trong xã hội.
Gắn liền với sự phát triển, lớn mạnh của đất nước, của hệ thống Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy được tái lập ngày 01/4/1997 sau một thời gian sáp nhập với Tòa án nhân dân huyện Xuân Trường thành Tòa án nhân huyện Xuân Thủy rồi được chia tách từ ngày 22/12/1967. Sau khi tái lập, đơn vị chỉ có 8 cán bộ, công chức và đứng trước nhiều khó khăn về mọi mặt. Đến nay, cơ sở vật chất của đơn vị đã không ngừng được hoàn thiện, biên chế có 11 công chức và 03 người lao động. Hiện đơn vị có 5 Thẩm phán trong đó có Chánh án và 2 Phó Chánh án; 11/11 cán bộ công chức đều có trình độ đại học; có 03 có trình độ Thạc sỹ; 03 người lao động làm công tác bảo vệ, lái xe và tạp vụ. Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy đã luôn quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy đảng và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Tòa án cấp trên, đội ngũ cán bộ nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, vững vàng về lập trường chính trị tư tưởng và chuyên môn nghiệp vụ. Phát huy truyền thống của các thế hệ Tòa án qua các thời kỳ, đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác, góp phần vào việc xây dựng, phát triển quê hương huyện Giao Thủy giàu đẹp, văn minh, và sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của Hệ thống Tòa án trong 75 năm qua.
Những năm qua, số lượng các loại án Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy đã thụ lý, giải quyết đều tăng, tính chất ngày càng phức tạp, nhất là tội phạm về ma túy hết sức phức tạp và tinh vi hơn. Các tranh chấp dân sự, đặc biệt là tranh chấp về quyền sử dụng đất, do giấy tờ không đầy đủ, thủ tục khi giao dịch không chặt chẽ. Án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về nuôi con và chia tài sản diễn ra gay gắt, quyết liệt. Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử, đơn vị đã tổ chức và hưởng ứng các phong trào thi đua bám sát chủ đề trong hệ thống Tòa án nhân dân là “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”; thực hiện chủ đề thi đua xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Các biện pháp nâng cao chất lượng xét xử được áp dụng như: Đổi mới cách thức tổ chức phiên tòa để đảm bảo thực hiện nguyên tắc tranh tụng; Trao đổi nghiệp vụ hàng tuần, nghiên cứu và thảo luận quy định mới cũng như hướng dẫn nghiệp vụ mới; chú trọng công tác hòa giải, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, thi viết bản án.... Các Thẩm phán đi sâu tìm hiểu những lĩnh vực liên quan đến tình tiết vụ án để ra Bản án và Quyết định sát với thực tế có tính thuyết phục. Việc xử phạt nghiêm minh được kết hợp chặt chẽ với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Nhiều phiên tòa lưu động được tổ chức ngay tại địa bàn nơi xảy ra vụ án hoặc nơi cư trú của bị cáo, đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm theo dõi; qua đó đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật trong quần chúng nhân dân và răn đe phòng ngừa tội phạm. Kết quả cụ thể, trong 5 gần đây: Thành tích của đơn vị được cấp ủy địa phương, cấp trên ghi nhận và đánh giá cao. Chi bộ đơn vị được cấp ủy địa phương công nhận là “Chi bộ trong sạch vững mạnh” nhiều năm. Tòa án liên tục được công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc”. Nhiều lượt Thẩm phán, Thư ký, công chức đơn vị được tặng “Bằng khen” của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, “Bằng khen” của UBND tỉnh Nam Định, có Thẩm phán đạt “Thẩm phán giỏi”, đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Tòa án nhân dân” .... Đặc biệt, các năm 2016 và 2017 đơn vị được tặng thưởng “Cờ thi đua xuất sắc” của Tòa án nhân dân tối cao.
Năm 2020, số lượng các loại vụ việc mà Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy thụ lý, giải quyết tiếp tục gia tăng (tính từ ngày 01/10/2019 đến 31/08/2020 đã thụ lý, giải quyết 416/444 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 94%), tính chất vụ việc ngày càng phức tạp hơn, trong khi đó biên chế không tăng. Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra, mỗi Thẩm phán, Thư ký, công chức, người lao động trong đơn vị đã và đang tích cực trong công tác và học tập để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và ý thức trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Đại hội Chi bộ TAND huyện Giao Thủy, nhiệm kỳ 2015 – 2020
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, với sự rèn luyện, nỗ lực không ngừng, chúng ta tin tưởng rằng Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy tiếp tục giữ vững truyền thống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020, tạo tiền đề và động lực để các thế hệ cán bộ, Thẩm phán tiếp tục vững bước trên chặng đường mới.
Phó Chánh án TAND huyện Giao Thủy - Vũ Ngọc Duyên